Ngày đăng: 01/01/2013

Giới thiệu chung về nhà trường

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, trực thuộc Bộ Công Thương

Tên tiếng Việt: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp

Tên tiếng Anh: College of  Industrial Techniques (CIT)

Trụ sở chính: Số 202 đường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Cơ sở 2: Xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Điện thoại: 02403 854513, 02403 856210         Fax: 02403 854513

Website: http://bcit.edu.vn           email: contact@bcit.edu.vn

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, trực thuộc Bộ Công Thương, tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật II (gọi tắt là Trường II), được thành lập từ năm 1966. Trường thuộc khối các trường công lập, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại cho đất nước trên 35 ngàn cán bộ quản lý, kỹ thuật viên trình độ cao và công nhân kỹ thuật lành nghề. Hiện nay quy mô của trường giữ mức ổn định trên 4.500 học sinh, sinh viên các hệ đào tạo chính quy, 1.500 sinh viên hệ liên thông cao đẳng, đại học chính quy và vừa làm vừa học, khoảng 1.200 học sinh trung học phổ thông thuộc 03 khối lớp 10, 11, 12; trên 500 tu nghiệp sinh đang được đào tạo để chuẩn bị du học Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và khoảng trên 2.000 học viên đào tạo cấp chứng chỉ.   

Tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu phát triển:

Tầm nhìn: Trở thành cơ sở giáo dục đại học danh tiếng, chất lượng, đào tạo đa cấp, đa ngành, đáp ứng các yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế về đào tạo; Trung tâm hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, là nơi khởi đầu sự nghiệp của sinh viên Việt Nam và nơi giao lưu, học tập của sinh viên quốc tế.

Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp, thương mại theo hướng thực hành công nghệ, có khả năng tự nghiên cứu ứng dụng, làm việc độc lập và sáng tạo tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mục tiêu: Phát triển ổn định, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng. Đào tạo cán bộ quản lý, các cử nhân, các kỹ thuật viên, thợ lành nghề có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ, tư chất tốt, kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng thực hành nghề cao, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, có khả năng thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế. Đảm bảo các tiêu chí phục vụ cho nền công nghiệp, thương mại của đất nước, có khả năng tham gia các chương trình nghiên cứu ứng dụng phát triển kinh tế khu vực và thế giới.

     - Đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nâng cao trình độ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho các ngành công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.

     - Đổi mới cơ chế quản lý, chương trình, nội dung, hình thức đào tạo và phương pháp giảng dạy; nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo nhằm tạo môi trường học tập mang tính hợp tác, năng động và sáng tạo, giúp người học phát triển toàn diện nhân cách và chuyên môn.

     - Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ, tăng cường gắn kết giữa đào tạo với sử dụng lao động, gắn đào tạo với thực tế sản xuất.

     - Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao cho ngành công nghiệp trong nước và các chương trình hội nhập khu vực.

Lịch sử các giai đoạn phát triển của Nhà trường:

Từ ngày thành lập đến nay Trường đã qua 5 lần đổi tên:

  • 1966-1982: Trường Công nhân Kỹ thuật II;
  • 1982-1997: Trường Công nhân Cơ khí Hóa chất;
  • 1997-2004: Trường Đào tạo nghề Cơ-Điện-Hóa chất;
  • 2004-2008: Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp;
  • 2008-2009: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp;
  • 2009 đến nay: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp;

Từ ngày đầu mới thành lập, Trường có 20 cán bộ, giáo viên vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, quản lý, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho 6 lớp học với 200 học sinh. Qua hơn 47 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà trường đã trải qua các thời kỳ gắn liền với các giai đoạn cách mạng của dân tộc.

  • Giai đoạn 1 (1966-1975)

         Đây là giai đoạn khó khăn của cả đất nước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Nhà trường phải rời thị xã Bắc Giang sơ tán đến vùng nông thôn thuộc xã Đồng Vương huyện Yên Thế. Tại đây, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường vừa xây dựng vừa tiến hành nhiệm vụ đào tạo với muôn vàn khó khăn thử thách.

         Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hết sức nghèo nàn. Các phòng học, xưởng thực tập, nơi làm việc hầu hết là nhà tranh vách đất, nơi ở của thày và trò chủ yếu là nhờ vào nhà dân. Được sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp nặng (trước đây), với sự phấn đấu của thầy và trò, nhà trường đã nhanh chóng ổn đinh, vừa xây dựng vừa thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đào tạo.

         Trong thời kỳ này, nhà trường đã đào tạo được hàng ngàn công nhân kỹ thuật các ngành Rèn, Mẫu, Đúc, Gò, Hàn, Nguội, Điện, Tiện, Phay, Bào. Sau khi ra trường, các em học sinh được làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước. Đã có nhiều học sinh lên đường nhập ngũ tại các chiến trường khốc liệt, không sợ gian khổ hy sinh với tinh thần “Tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược”.

  • Giai đoạn 2 (1976-1985)

         Đây là giai đoạn đánh dấu sự phấn đấu, nỗ lực của thầy và trò, của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong công tác đào tạo. Khi Trường chuyển về thị xã Bắc Giang, cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường đã tập trung ngay vào việc xây dựng lại các nhà xưởng, lớp học, trang thiết bị cơ sở vật chất cho giảng dạy và học tập.

         Nhà trường đã trở thành một trong những điểm sáng của toàn ngành dạy nghề trong cả nước khi vận dụng thành công nguyên lý “gắn đào tạo với sản xuất” được Tổng cục dạy nghề chọn làm đơn vị điển hình trong toàn quốc. Nhà trường được chuyển hướng từ đào tạo công nhân kỹ thuật bậc 2/7 sang đào tạo công nhân kỹ thuật bậc 3/7.

         Những thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và xây dựng của nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận với các danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Ba; Đảng bộ nhiều năm liền được tặng danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; Đoàn Thanh niên được tặng cờ luân lưu mang chân dung Bác Hồ vĩ đại.

         Tuy nhiên, trong giai đoạn này nền kinh tế nước ta bước vào suy thoái trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo của nhà trường. Liên tiếp trong các năm 1981, 1982, nhà trường không có chỉ tiêu tuyển sinh. Toàn trường chỉ còn một khóa học sinh duy nhất (khóa 15) với hơn 200 học sinh. Hàng trăm cán bộ, giáo viên, công nhân viên dôi dư; 4 ban nghề phải giải thể sáp nhập thành một xưởng thực tập sản xuất. Một số giáo viên, công nhân viên, bác sĩ, y sĩ phải làm trái ngành để tự nuôi sống mình. Một số ngành học bị giải tán như ngành Rèn, Gò, Đúc, Mẫu.

  • Giai đoạn 3  (1986-2000)

          Đây là giai đoạn phát triển của nhà trường. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới nhà trường đã thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ từ khóa XI đến XX, cũng như nghị quyết Đại hội CNVC từ năm 1986 đến 2000. Mục tiêu tổng quát được thông qua là:

     - Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thực hiện phương châm: đào tạo theo nhu cầu xã hội;

     - Cải tiến mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy đáp ứng mọi yêu cầu của thực tế, phù hợp với tình hình đổi mới;

     - Tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ vững mạnh;

     - Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CB, GV, CNV và học sinh;

Bằng sự nỗ lực của nhà trường, sự quan tâm chỉ đạo cuả cấp trên, những mục tiêu trên đã được đạt được kết quả đáng kể:

     - Về cơ sở hạ tầng: hầu hết các giảng đường, phòng thí nghiệm, cơ sở làm việc, chỗ ở của cán bộ viên chức, giáo viên và học sinh được xây dựng mới bằng nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, khang trang, sạch đẹp.

     - Vật tư, thiết bị phục vụ cho đào tạo đã được thay thế hiện đại hơn, nơi ăn ở, học tập và làm việc của thầy và trò, cán bộ viên chức được cải thiển vượt bậc so với những năm trước.

     - Nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động đào tạo được tăng cường, giáo viên thường xuyên được quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

     - Chương trình đào tạo, mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới, đa dạng hóa đối tượng và các loại hình đào tạo, quy mô đào tạo được mở rộng. Ngoài đào tạo tại cơ sở của đơn vị, nhà trường đã tổ chức đào tạo liên kết với nhiều đơn vị như Công ty Apatit Lào Cai, Công ty Phân lân nung chảy Hà Nội, Công ty Supe và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc …

     - Cùng với nhiệm vụ trọng tâm phục vụ cho giảng dạy và học tập, công tác đời sống cũng được nhà trường quan tâm chú trọng. Khu tập thể của cán bộ viên chức của Trường được cải tạo và nâng cấp. Các hoạt động văn hóa thể thao được duy trì, góp phần tạo không khí vui tươi lành mạnh trong nhà trường.

  •  Giai đoạn 4 (2001-nay)

          Đây là giai đoạn nhà trường thực sự có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị hữu quan, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ viên chức, thầy và trò nhà trường năm 2000 nhà trường chuyển từ Tổng Công ty Hóa chất chuyển về trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Năm 2004, nhà trường được nâng cấp từ trường Đào tạo nghề Cơ-Điện-Hóa chất thành trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp. Ngày 28/7/2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có Quyết định số 5499/QĐ-BGDĐT thành lập trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp.

         Quyết định thành lập trường Cao đẳng đã đưa nhà trường lên vị thế mới, khẳng định một bước tiến quan trọng có tính chất đột phá, bước sang một thời kỳ mới. Nhà trường đã đẩy mạnh phát triển qui mô, loại hình đào tạo. Lưu lượng học sinh sinh viên từ hơn 1000 tăng lên tới gần 4000. Nhiều ngành học mới được mở, đến nay đã có trên 40 ngành học thuộc các cấp đào tạo trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, từ thời điểm chỉ giáo viên có 01 thạc sĩ, đến nay đã có trên 70 giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 60% tổng số giảng viên hiện có.

         Trong giai đoạn này nhà trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học như phòng học CAD/CAM/CNC, phòng học ngoại ngữ, tin học, phòng thí nghiệm cơ, lý, hóa, các máy gia công cắt gọt, trung tâm gia công cơ khí, máy hàn bán tự động, Robot hàn, các thiết bị thực hành điện, điện tử, xây dựng mới 02 nhà giảng đường 4 tầng học, 01 nhà xưởng 5 tầng và tòa nhà đa năng 8 tầng,…

         Để nhanh chóng đáng ứng được yêu cầu đào tạo, nhà trường chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, công tác quản lý, tăng cường quan hệ hợp tác với các trường đào tạo chuyên ngành trong nước và quốc tế như liên kết đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học với trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội, tư vấn và giới thiệu học sinh đi du học, thực tập tại Nhật Bản. Đồng thời nhà trường mở rộng liên kết với các công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước như Công ty Cao su Sao vàng Hà Nội, Công ty cổ phần Cầu 5 Thăng Long, Công ty Goshi Thăng Long, Công ty Canon Bắc Ninh, Công ty Tabuchi, Catolec, Công ty Liên doanh chế tạo xe máy Li Fan Việt Nam...là những điểm tiếp nhận học sinh sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ tay nghề và làm việc sau khi ra trường.

Thành tích đã đạt được:

         Với những nỗ lực của tập thể Nhà trường, trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường đã đạt được những danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành đã trao tặng, gồm:

     - 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì (2011);

     - 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (2001);

     - 01 Huân chương Lao động hạng Nhất (1996);

     - 01 Huân chương Lao động hạng Nhì (1981);

     - 01 Huân chương Lao động hạng Ba (1976);

 

     - Nhiều cá nhân và tập thể được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen. Nhà trường được Tổng cục Hoá chất, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tặng Cờ thi đua, nhiều Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đơn vị văn hóa...

     - Đảng bộ nhà trường nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh; Công đoàn Trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn đạt vững mạnh và được tặng thưởng nhiều bằng khen của đơn vị cấp trên, ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được.

Các bậc, ngành, nghề đang đào tạo hiện nay:

1.  Hệ cao đẳng,  thời gian đào tạo 3 năm (mã trường CCE):

                   Gồm 11 ngành đào tạo với 19 chuyên ngành:

1.   Công nghệ kỹ thuật cơ khí;

2.   Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (chuyên ngành: Công nghệ kỹ thuật điện công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật điện tử công nghiệp);

3.   Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa;

4.   Công nghệ kỹ thuật hóa học (chuyên ngành: Máy và thiết bị hóa chất, Công nghệ hóa vô cơ);

5.   Công hệ kỹ thuật môi trường (Chuyên ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản trị môi trường, Xử lý  và cấp thoát nước);

6.   Công nghệ kỹ thuật ô tô;

7.   Công nghệ kỹ thuật xây dựng (chuyên ngành: Máy xây dựng, Xây dựng công nghiệp và dân dụng);

8.   Công nghệ thông tin;

9.   Kế toán (chuyên ngành: Kế toán tổng hợp, Kế toán - Kiểm toán);

10.  Quản trị kinh doanh (chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị xuất nhập khẩu, Quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành);

11.  Tài chính - Ngân hàng. 

2.  Hệ trung cấp chuyên nghiệp, thời gian đào tạo 2 năm (CT30):

          Gồm 15 ngành đào tạo:

1.    Bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ khí;

2.    Cơ khí chế tạo;

3.    Cơ khí động lực;

4.    Công nghệ kỹ thuật hóa học;

5.    Công nghệ kỹ thuật xây dựng;

6.    Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông;

7.    Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động;

8.    Điện công nghiệp và dân dụng;

9.    Điện tử dân dụng;

10.  Quản trị hệ thống;

11.  Kế toán;

12.  Tài chính – ngân hàng;

13.  Tin học ứng dụng;

14.  Truyền thông và mạng máy tính.

3.  Hệ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, thời gian đào tạo 2 đến 2,5 năm:

                         1.  Kế toán doanh nghiệp;

                         2.  Tài chính - Ngân hàng;

                         3.  Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ;

                         4.  Kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính;

                         5.  Lập trình máy tính;

                         6.  Điện tử dân dụng;

                         7.  Thương mại điện tử;

                         8.  Điện công nghiệp;

                         9.  Cơ - điện tử;

                         10.  Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí;

                         11.  Công nghệ Ôtô (Sửa chữa ôtô và xe máy);

                         12.  Nguội sửa chữa máy công cụ;

                         13.  Vận hành máy và thiết bị hóa chất;

                         14.  Hàn-Gò;

                         15.  Cắt gọt kim loại (Tiện-Phay-Bào-Xọc);

                         16.  Máy xây dựng.

 4.  Hệ đào tạo cấp chứng chỉ: đào tạo các khóa học ngắn hạn theo nhu cầu của người học

                -  Ngoại ngữ: Tiếng Anh, Nhật, Đức, Trung Quốc,… trình độ A, B, C;

                -  Tin học, trình độ A, B, C;

                -  Kế toán thuế; Kế toán trưởng;

                -  Giao tiếp kinh doanh quốc tế;

                -  Vận hành máy và thiết bị hóa;

                -  Hàn: TIG, MIG, MAG, Vận hành Robot hàn;

                -  CAD; CAM;

                -  Tiện, Phay, Bào; Tiện CNC, Phay CNC;

                -  Sửa chữa ôtô-xe máy.

Đội ngũ giảng viên:

Số lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên: 158 người. Trong đó: 131 giảng viên, giáo viên cơ hữu, gồm các trình độ:

  • Sau đại học (NCS và thạc sĩ): 74 người, chiếm tỷ lệ 56,5%;
  • Đại học: 52 người, chiếm tỷ lệ 39,7%;
  • Cao đẳng và trung cấp: 05 người, chiếm tỷ lệ 3,8%;
  • 02 Giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều giảng viên, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, cấp Toàn quốc.

Cơ cấu tổ chức:

          Ban giám hiệu:   Hiệu trưởng và 02 Phó hiệu trưởng

       Các phòng chức năng:

           - Phòng Công tác học sinh;

           - Phòng Đảm bảo chất lượng;

           - Phòng Đào tạo;

           - Phòng Quản trị - Đời sống;

           - Phòng Tài chính - Kế toán;

           - Phòng Tổ chức - Hành chính.

       Các khoa đào tạo:

  • - Khoa Cơ khí chế tạo và Xây dựng: 01 trưởng khoa, 01 phó trưởng khoa và 12 GV. Trình độ đội ngũ: 07 thạc sĩ, 06 kĩ sư và cử nhân đại hoc, 01 cử nhân cao đẳng;
  • - Khoa Cơ khí động lực - Công nghệ Hóa và Môi trường: 01 trưởng khoa và 12 GV. Trình độ đội ngũ: 04 thạc sĩ, 09 kĩ sư và cử nhân đại học;
  • - Khoa Điện - Tự động hóa: 01 trưởng khoa, 01 phó trưởng khoa, 18 GV và 01 nhân viên kỹ thuật. Trình độ đội ngũ: 10 thạc sĩ, 10 kĩ sư và cử nhân đại học, 01 công nhân kỹ thuật;
  • - Khoa Điện tử - Tin học: 01 phó trưởng khoa-phụ trách và 12 CBGV. Trình độ đội ngũ: 07 thạc sĩ, 06 kĩ sư và cử nhân đại học;
  • - Khoa Kinh tế - Công nghệ May: 01 trưởng khoa, 09 CBGV và 01 nhân viên kỹ thuật. Trình độ đội ngũ: 07 thạc sĩ, 03 cử nhân đại học, 01 công nhân kỹ thuật;
  • - Khoa Khoa học cơ bản: 01 trưởng khoa, 01 phó trưởng khoa và 17 GV. Trình độ đội ngũ: 13 thạc sĩ, 06 kĩ sư và cử nhân đại học.
  •  
  • Các trung tâm trực thuộc:
  • - Trung tâm Giáo dục trung học phổ thông: Đào tạo cho đối tượng học sinh đã tốt nghiệp lớp 9, được học bổ túc THPT theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trung cấp nghề,  trung cấp chuyên nghiệp;
  • - Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và chuyển giao công nghệ: Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động thực hành, sản xuất, gia công, thuộc các ngành nghề của trường đào tạo; tiếp nhận, hướng dẫn học sinh thực tập; triển khai các kế hoạch sản xuất của nhà trường và theo đơn đặt hàng của các đối tác trong và ngoài nước;
  • - Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ: Đào tạo và cấp chứng chỉ các khóa học ngắn hạn theo yêu cầu về tin học, ngoại ngữ cho các đối tượng là học sinh sinh viên của trường, các đối tượng tự do và các đơn vị có nhu cầu;
  • - Trung tâm Tuyển sinh và liên kết đào tạo: Lập kế hoạch và triển khai các chiến lược tuyển sinh của nhà trường; Tư vấn, định hướng ngành nghề cho các đối tượng có nhu cầu vào học tại trường; Tiếp nhận và quản lý hồ sơ tuyển sinh;
  • - Trung tâm Tư vấn du học và cung ứng nhân lực quốc tế SEIKO: Tư vấn cho học sinh sinh viên, các đối tượng có nhu cầu du học các nước ngoài; Cung cấp thông tin và giới thiệu việc làm, cung ứng lao động trong và ngoài nước;

Hệ thống cơ sở vật chất:

          Trụ sở chính của Nhà trường có diện tích trên 4,5 ha, trong đó có hệ thống các nhà xưởng trên 9000 m2, giảng đường học lý thuyết hơn 6000 m2, sân vận động trên 1000 m2, khu rèn luyện thể thao 700 m2, ký túc xá sinh viên, nhà ăn, câu lạc bộ.

        Diện tích mặt bằng đã xây dựng phục vụ cho đào tạo gồm:

  • - Ba toà nhà 4 tầng với 60 phòng học lý thuyết, diện tích trên 6000m2;
  • - 09 nhà xưởng thực hành với diện tích trên 9000 m2; được trang bị nhiều thiết bị thực tập tiên tiến, hiện đại của Đức, Nhật, Pháp, Italia, Đài Loan…     phục vụ cho các nghề đào tạo;    
  • - 01 Trung tâm công nghệ cao, diện tích 200m2;
  • - Khu nội trú gồm 02 tòa nhà 4 tầng và 2 tầng, đủ chỗ cho 600 học sinh.

Nhà trường đã được Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch xây dựng phát triển giai đoạn 2007 - 2020 với số vốn 158 tỷ đồng; Giai đoạn I (2008 - 2011) đã được triển khai xây dựng 2 hạng mục gồm Nhà xưởng thực hành 5 tầng và Nhà đa năng 8 tầng với số vốn 52 tỷ đồng. Giai đoạn II (2013 - 2017) đã được Bộ Công Thương phê duyệt Dự án đầu tư 02 nhà xưởng thực hành với tổng mức là 53 tỷ đồng.

Phòng Tổ chức