Ngày đăng: 19/01/2015

Kỳ thi THPT quốc gia: Nộp và rút hồ sơ xét tuyển như thế nào?

Thí sinh có được nộp hồ sơ một lúc cho nhiều trường hay không? Có được rút hồ sơ khi đã nộp hay không? Đề thi sẽ như thế nào… là các câu hỏi được rất đông thí sinh và phụ huynh quan tâm.

   Thí sinh có được nộp hồ sơ một lúc cho nhiều trường hay không? Có được rút hồ sơ khi đã nộp hay không? Đề thi sẽ như thế nào… là các câu hỏi được rất đông thí sinh và phụ huynh quan tâm trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2015 được tổ chức sáng 18/1 tại ĐH Bách Khoa TPHCM.
 
   PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, năm nay, thí sinh có lợi thế khi tuyển sinh ĐH, CĐ đó là biết điểm thi rồi mới đăng ký vào các trường.
Quy định nộp hồ sơ xét tuyển đại học 2015 như thế nào?
Quy định nộp hồ sơ xét tuyển đại học 2015 như thế nào?
Thí sinh đặt câu hỏi trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp sáng 18/1
    Sau khi thi, thí sinh sẽ được nhận 4 giấy xác nhận kết quả, mỗi giấy có mã vạch để dùng cho 1 đợt xét tuyển. Cùng với giấy xác nhận kết quả thi là phiếu đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Thí sinh có thể đăng ký tối đa 4 ngành theo 4 nguyện vọng trong một phiếu đăng ký. Thí sinh cần cân nhắc thận trọng khi đăng ký, vì nếu đã trúng tuyển đợt 1, thí sinh không được phép tiếp tục đăng ký xét tuyển ở các đợt sau.
Em Trần Nguyễn Thảo Vân (THPT Tân Bình) thắc mắc: Em có được nộp một lúc nhiều trường ĐH hay không? PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết, mỗi phiếu đăng ký chỉ nộp được cho 1 trường. Tuy nhiên, trong thời hạn 20 ngày xét tuyển của từng đợt, thí sinh có thể rút hồ sơ đã đăng ký với trường để thay đổi nguyện vọng, nộp hồ sơ sang trường khác.
 
   Cô giáo Trần Thị Kim (THPT Nguyễn Hữu Huân) lo ngại: Học sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh ở đâu? Muốn rút thì rút tại đâu và nộp lại đăng ký dự thi cho trường khác như thế nào?
 
   Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, thí sinh có thể nộp trực tiếp đăng ký dự thi tại trường có nguyện vọng hoặc nộp qua đường bưu điện. Khi rút hồ sơ, nhà trường sẽ trả lại bản chính giấy xác nhận kết quả thi và phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh sử dụng giấy xác nhận kết quả thi và làm lại phiếu đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế TPHCM bổ sung thêm, đa số các trường sẽ yêu cầu thí sinh đến nộp và rút hồ sơ trực tiếp tại trường vì còn liên quan đến lệ phí tuyển sinh, giấy xác nhận kết quả thi…
 
   Mặc dù đã được giải đáp nhưng nhiều phụ huynh, giáo viên vẫn lo lắng liệu việc thí sinh đến rút hồ sơ như vậy thì trường có bị quá tải hay không và thí sinh có còn đủ thời gian để nộp cho trường khác hay không. Thêm vào đó, nếu phải đến tận trường để rút hồ sơ thì sẽ rất khó khăn cho những thí sinh ở xa.
 
   Trước những thắc mắc về thang điểm 20 sẽ áp dụng như thế nào, cấu trúc đề thi năm nay ra sao… PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết, hiện nay Bộ vẫn chưa quyết định có sử dụng thang điểm 20 hay không, nếu có sử dụng thì sẽ áp dụng cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Với thang điểm 20, giáo viên sẽ phải chấm cụ thể và chi tiết hơn, như vậy sẽ có lợi hơn cho thí sinh.
 
   Về đề thi, theo quy định, phạm vi câu hỏi sẽ vẫn nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là kiến thức của lớp 12, không có những câu hỏi quá khó, quá lắt léo hoặc đánh đố. Tuy nhiên, vì là kỳ thi THPT quốc gia nên đề thi sẽ đảm bảo 2 yêu cầu: Tốt nghiệp THPT và phần nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ.
 
   Các câu hỏi kiến thức cơ bản và nâng cao sẽ được bố trí xen kẽ trong đề thi chứ không chia thành 2 phần riêng biệt. Cũng giống như năm trước, câu hỏi cho các môn xã hội sẽ tăng cường tính mở, tính sáng tạo, giảm bớt yêu cầu học thuộc lòng. Các môn khoa học tự nhiên sẽ chú trọng đến các kỹ năng thực hành và xử lý các vấn đề thực tế.
 
   Trước câu hỏi của em Thanh Nhi (THPT Tân Phú) về việc nên chọn ngành nào là ngành “hot”, dễ xin việc… TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) vui vẻ cho biết, thí sinh cần phải căn cứ vào sở thích, năng lực và ngành nghề mà xã hội có nhu cầu để có những lựa chọn chính xác nhất.
 
   Ngành “hot” hay không phụ thuộc chủ yếu vào thái độ đối xử của sinh viên đối với ngành học đó. Không phải cứ ngành “hot” là đã xin được việc. Nếu các em thật sự nghiêm túc, chú tâm và chuyên cần vào ngành mình đã chọn, đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng thì chắc chắn các em sẽ thành công.

Báo Infornet, http:⁄⁄infonet.vn⁄ky-thi-thpt-quoc-gia-nop-va-rut-ho-so-xet-tuyen-nhu-the-nao-post156439.info