Ngày đăng: 19/01/2015

Đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015: Không lo thí sinh "ảo"

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Năm nay, có rất nhiều điểm mới quan trọng mà các thí sinh cần nắm được để quyết định xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi có kết qủa thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định Chất lượng giáo dục (KTKĐCLGD), Bộ GD&ĐT thì: Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Tuyển sinh 2015 thí sinh có 16 nguyện vọng: Trường không sợ ảo
Năm nay kỳ thi ĐH, CĐ sẽ có nhiều quy định mới.
Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ được tính theo công thức: Tổng điểm của 4 bài thi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 8 và cộng với điểm trung bình lớp 12. Cùng với sự thay đổi thang điểm này, điểm “liệt” (nếu có môn nào thí sinh bị điểm này sẽ không được xét tốt nghiệp) cũng sẽ tăng lên: Thay vì là 1, năm 2015 điểm “liệt” sẽ là 2 điểm. Mức điểm ưu tiên, khuyến khích tối đa cũng sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu như mọi năm mức cộng điểm ưu tiên khuyến khích tối đa là 4 thì năm nay sẽ là 8.
Tuyển sinh 2015 thí sinh có 16 nguyện vọng: Trường không sợ ảo
Cục trưởng Cục KTKĐCLGD Mai Văn Trinh: “Không lo về số nguyện vọng ảo ...”.
Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
 
Thang 20 sẽ áp dụng đồng bộ cho cả 8 bài thi trong kỳ THPT quốc gia. Tuy nhiên, hiện một số trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng vẫn có phương án thi những bài thi với thang điểm 10. Điều này có tạo nên sự chênh giữa kết quả thi quốc gia và đầu vào tuyển sinh nếu các trường yêu cầu làm bài thi riêng của trường mình không? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục KTKĐCLGD cho rằng: “Điều này không hề gây ảnh hưởng gì, các trường có thể quy đổi thang điểm nếu muốn”.
 
Bộ GD&ĐT quy định, các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường. Đối với các trường được Bộ GD&ĐT giao chủ trì cụm thi: Sau khi báo cáo kết quả thi về Bộ, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các Sở GD&ĐT để chuyển tới thí sinh đã dự thi ở cụm.
 
Mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
 
Ông Mai Văn Trinh cho biết: “Hoàn toàn không lo về số nguyện vọng “ảo” các em nộp vào ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia vì chúng tôi sẽ có một vài biện pháp kỹ thuật. Các giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch khác nhau và tương ứng với từng đợt xét tuyển chứ không phải muốn nộp đợt nào, giấy nào cũng được”.
 
Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Theo Báo Pháp luật xã hội, tin gốc: http:⁄⁄phapluatxahoi.vn⁄giao-duc⁄doi-moi-tuyen-sinh-dh-cd-nam-2015-khong-lo-thi-sinh-ao-85374