Ngày đăng: 21/06/2013

Xu hướng mới trong ngành Công nghệ thông tin

Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, để thực hiện các mục tiêu trong Dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội cần khoảng 700.000 nhân lực CNTT.
 
Chỉ tính riêng FPT Software, từ nay đến 2015 sẽ cần tuyển 9.000 người. Năm 2013, dự kiến FPT Software sẽ tuyển thêm 2.000 - 2.500 nhân viên cho các vị trí kỹ sư phần mềm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối, biên dịch và phiên dịch tiếng Nhật.  
 
Cũng giống như FPT Software, nhiều doanh nghiệp phần mềm khác đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn. Đại diện một doanh nghiệp phần mềm khác tại cho biết, hiện công ty có nhu cầu tuyển dụng vài nghìn người để có đủ nhân lực cho các hợp đồng làm gia công phần mềm trong giai đoạn 2012-2013. Còn theo con số tính toán chung từ các doanh nghiệp phần mềm, mỗi năm ngành phần mềm cần tuyển 8.000 - 10.000 lao động.
 
 
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT quý I/2013 của một số doanh nghiệp lớn
 
Thời gian gần đây, do thị phần gia công phần mềm phát triển mạnh, nhiều công ty ký được hợp đồng gia công phần mềm lớn nên chạy đua tuyển lập trình viên có kinh nghiệm, kỹ năng nghề cao. Song song đó, nhu cầu rao tuyển lập trình viên đi nước ngoài làm việc với mức lương hấp dẫn (2.000-3.000 USD/tháng) của các công ty xuất khẩu lao động cũng khiến cho nhân sự ở lĩnh vực này sáng giá.  
 
Một yếu tố có ý nghĩa khác đóng góp cho tăng trưởng trong công nghiệp phần mềm là an ninh máy tính. Các công ty và chính phủ sẽ phải đầu tư lớn vào phần mềm để bảo vệ thông tin của họ và giữ an ninh hệ thống của họ khỏi tấn công. Và, khi khối lượng dữ liệu được truyền qua Internet tăng lên, tầm quan trọng của việc bảo trì hệ thống máy tính và an ninh mạng sẽ tăng lên, dẫn tới nhu cầu lớn hơn về phần mềm an ninh.
Thay đổi trong công nghệ di động cũng đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực. Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh đang làm cho doanh nghiệp và các cá nhân trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ này, sẽ có nhu cầu tăng lên về ứng dụng phần mềm mới để khai thác tiềm năng của điện thoại thông minh và sản phẩm máy tính bảng. Thiết bị di động với sự nhỏ gọn, dễ di chuyển nhưng tích hợp rất nhiều tiện ích đa dạng và lý thú không khác gì một chiếc laptop thu nhỏ đang là lựa chọn hàng đầu của những người trẻ năng động và bận rộn trong thời buổi hiện nay. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp công nghệ đang dần chuyển mối quan tâm và sự đầu tư cho việc phát triển ứng dụng, phần mềm trên thiết bị di động. Dạo quanh các trang web về tuyển dụng, trong nhóm ngành CNTT, vị trí “Chuyên viên lập trình di động hay lập trình game trên di động” xuất hiện ngày càng nhiều. 
 
Thống kê cho thấy, chuyên ngành phát triển mạnh nhất và có nhu cầu nguồn lực lớn nhất của ngành CNTT Việt Nam vẫn là ngành phần mềm để nhắm vào các thị trường nước ngoài. Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp diến trong it nhất là 10 năm nữa. Thực tế cũng cho thấy, công nghiệp phần mềm là công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong hai mươi năm qua. Nó vẫn là ngành công nghiệp trẻ nhất so với các ngành công nghiệp khác.
Tỉ lệ tin tuyển dụng của ngành Phần cứng và Phần mềm trên các trang tuyển dụng online tháng 4/2013
 
 
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp cũ và mới đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về quản trị mạng, hệ thống mạng. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng chuyên viên quản trị mạng, hệ thống mạng ở VN hiện cũng rất lớn.
 
Như vậy, sinh viên CNTT nên theo học phần cứng hay phần mềm để dễ kiếm việc làm hơn? Để có việc làm tốt hơn? Không thể đưa ra lời khuyên nào thích đáng cho câu hỏi trên vì thị trường hệ thống (mạng, phần cứng…) hay phần mềm cũng đều là những thị trường tiềm năng trong tương lai.
 
Phần lớn những người làm việc trong công nghiệp phần mềm đều là thanh niên, độ tuổi dưới 35, sẵn lòng nhận rủi ro để phát kiến và tạo ra sản phẩm mới. Về mức lương, nhìn chung nghề lập trình khi mới vào nghề thường có mức khởi điểm cao hơn, và nếu thực sự giỏi và nổi trội thì thu nhập của nghề phần mềm rất đáng mơ ước. Ngược lại, nghề quản trị mạng tuy thường có mức lương khởi điểm thấp hơn nhưng “tuổi thọ nghề” lại được đánh giá là dài hơn. Tuy nhu cầu tuyển dụng lập trình viên thường nhiều hơn, nhưng nghề quản trị mạng lại được đánh giá là dễ xin việc hơn, phạm vi tìm kiếm công việc rộng hơn, vì công ty nào có ứng dụng mạng máy tính cũng có nhu cầu về nhân viên quản trị.
 
Lựa chọn nghề nghiệp nào, định hướng nào luôn là câu hỏi lớn nhất mà mọi sinh viên ngành CNTT phải đối mặt. Mỗi một giai đoạn, nhu cầu thị trường việc làm trong ngành này có thể khác nhau, nhưng nhìn chung CNTT nói chung vẫn là ngành công nghiệp có nhu cầu nhân lực rất lớn. Lựa chọn nghề nghiệp nào, vì thế, ngoài việc phân tích xu hướng công nghệ, thị trường…thì cần dựa vào đam mê, khả năng thực sự của mỗi người. Dù chọn nghề nào, bạn vẫn có khả năng thành công, nếu bạn thực sự chứng minh được mình “giỏi” trong lĩnh vực đó.

Theo IPMAC