Ngày đăng: 09/10/2015

Nghị định số 86⁄2015⁄NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86⁄2015⁄NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, nguyên tắc xác định học phí như sau:

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tang chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập: Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập từ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hộ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước

Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí.

Cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Trong quá trình áp dụng thực hiện Nghị định này, Bộ Giáo dục  và Đào tạo phối hợp với các cơ quan tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề theo hướng có lộ trình xác định tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 được quy định như sau: Đồi với thành thị là 60 đến 300 nghìn đồng/tháng; đối với khu vực nông thôn là 30 đến 120 nghìn đồng/tháng; đối với khu vực miền núi là 8 đến 60 nghìn đồng/tháng.

Cũng theo Nghị định, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 như sau:

Đối với Khối ngành, chuyên ngành đào tạo là Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản: từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 1.750 nghìn đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1.850 nghìn đồng/ tháng; năm học 2020-2021 là 2.050 nghìn đồng/tháng.

Đối với Khối ngành, chuyên ngành đào tạo là Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 2.050 nghìn đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2.200 nghìn đồng/ tháng; năm học 2020-2021 là 2.400 nghìn đồng/tháng.

Đối với Khối ngành, chuyên ngành đào tạo là Y dược: từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 4.400 nghìn đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4.600 nghìn đồng/ tháng; năm học 2020-2021 là 5.050 nghìn đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định, đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; Học sinh, sinh viên sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Nghị định 86/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.

moj.gov.vn