Ngày đăng: 26/08/2013

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức thành công lớp tập huấn đào tạo theo học chế tín chỉ

Thực hiện kế hoạch đào tạo theo học chế tín chỉ cho sinh viên (SV) hệ Cao đẳng chính quy khóa 47 năm học 2013-2014, vừa qua tại Hội trường Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, Nhà trường đã tổ chức buổi tập huấn đào tạo theo học chế tín chỉ cho toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn trường.

            Tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên và PGS.TS Nguyễn Anh Tài - Trưởng phòng Đào tạo Quan hệ Hợp tác Quốc tế Đại học Thái Nguyên đã nêu một số trao đổi về đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC), xây dựng chương trình đào tạo theo HTTC và giải đáp một số câu hỏi thắc mắc của cán bộ, giáo viên trong trường.

.           Đào tạo theo HTTC là phương thức đào tạo theo triết lý “Tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo”, nó không chỉ có hiệu quả đối với các nước phát triển mà còn rất hiệu quả đối với các nước đang phát triển. Nếu như, trong đào tạo theo học phần - niên chế, SV phải học theo tất cả những gì Nhà trường sắp đặt, không phân biệt SV có điều kiện, năng lực tốt, hay SV có hoàn cảnh khó khăn, năng lực yếu. Ngược lại, đào tạo theo HTTC cho phép SV có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình. Những SV giỏi có thể học theo đúng hoặc học vượt kế hoạch học tập toàn khóa, kế hoạch học tập từng học kỳ theo gợi ý của Nhà trường, để tốt nghiệp theo đúng thời gian chuẩn của chương trình hoặc sớm hơn. Những SV bình thường và yếu có thể kéo dài thời gian học tập trong trường và tốt nghiệp muộn hơn. Vì thế, SV phải tự lập kế hoạch học tập toàn khóa và từng học kỳ cho phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của bản thân dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm hay cố vấn học tập. Toàn bộ hệ thống quản lý đào tạo, quản lý SV vì thế phải vận hành theo yêu cầu riêng của từng SV làm cho quá trình quản lý trở nên hết sức phức tạp so với đào tạo theo học phần - niên chế.

            Chương trình đào tạo của tất cả các ngành đều phải cấu trúc lại theo hướng mô đun hóa thành những học phần; lịch trình giảng dạy phải thực hiện hết sức chính xác, không được đổi giờ hoặc bỏ giờ; mỗi giảng viên, mỗi SV đều có thời khóa biểu riêng, không theo một quy luật nào cả v.v. Vì thế, nếu trước kia SV phải “chạy” theo kế hoạch của nhà trường thì bây giờ nhà trường phải “chạy” theo kế hoạch của từng SV.

            Vì vậy, khi triển khai đào tạo theo HTTC, ban đầu nhà trường sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, đó cũng là điều tất yếu, vì đào tạo theo HTTC yêu cầu một hệ thống quản lý khoa học, chặt chẽ, linh hoạt và mềm dẻo. Đào tạo theo tín chỉ còn đòi hòi cả người dạy và người học phải thay đổi cách tư duy, đổi mới phương pháp dạy và học từ bị động sang chủ động một cách nghiêm túc. Đào tạo theo HTTC, chỉ có thể thành công, đi vào thế ổn định và phát triển, khi có sự chỉ đạo rất kiên quyết và khoa học của Ban Giám hiệu, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của đồng chí Hiệu trưởng, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong trường, đội ngũ giảng viên nhận thức được trách nhiệm và tham gia vào quá trình đào tạo một cách tự giác, bằng cả tấm lòng của người thầy.

          Bản chất của đào tạo theo HTTC mà Quy chế đào tạo là cơ sở để vận hành nó luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người học phát huy cao độ năng lực của bản thân. Tuy nhiên trên con đường chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới, Nhà trường sẽ cố gắng xây dựng từng lộ trình và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. 

Một số hình ảnh trong buổi tập huấn:

Sao Mai